Mở tài khoản ngân hàng là việc cần làm ngay của các công ty có vốn đầu tư nước ngoài ngay sau khi thành lập tại Việt Nam. Bài viết sau đây sẽ giới thiệu về các loại tài khoản ngân hàng cho công ty vốn nước ngoài, và các quy định liên quan đến việc sử dụng tài khoản.
1. Tài khoản vốn đầu tư trực tiếp (DICA)
Tài Khoản Vốn Đầu Tư Trực Tiếp (Direct Investment Capital Account, hay DICA) là tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ hoặc bằng đồng Việt Nam do công ty có vốn đầu tư nước ngoài mở tại ngân hàng được phép để thực hiện giao dịch thu, chi hợp pháp liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam.
Các công ty 100% vốn Việt Nam không thuộc đối tượng phải mở và sử dụng tài khoản DICA.
Mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp
Trường hợp thực hiện đầu tư bằng ngoại tệ: Nhà đầu tư góp vốn bằng loại ngoại tệ nào thì chỉ được mở một tài khoản DICA tương ứng với loại ngoại tệ đó tại một ngân hàng được phép.
Trường hợp thực hiện đầu tư bằng đồng Việt Nam: Nhà đầu tư mở một tài khoản DICA bằng đồng Việt Nam tại ngân hàng được phép nơi đã mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng ngoại tệ
Trường hợp thực hiện các khoản vay nước ngoài mà đồng tiền đi vay không tương ứng với đồng tiền mà công ty sử dụng để đầu tư: công ty được mở thêm tài khoản vay, trả nợ nước ngoài bằng đồng tiền đi vay.
Sử dụng tài khoản vốn đầu tư trực tiếp
Do tài khoản vốn đầu tư trực tiếp là loại tài khoản chuyên dùng cho các mục đích liên quan đến vốn đầu tư, vì vậy, công ty FDI chỉ thực hiện các giao dịch thu, chi được phép dưới đây thông qua tài khoản vốn đầu tư trực tiếp:
GIAO DỊCH THU | GIAO DỊCH CHI |
|
|
Đối với các giao dịch khác, ví dụ nhận tiền thanh toán hợp đồng, chi trả các khoản thanh toán, sẽ được thực hiện qua tài khoản thanh toán và không được thực hiện qua tài khoản DICA
Công ty có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với các hành vi không thực hiện đúng với quy định của pháp luật về việc mở, đóng, sử dụng tài khoản vốn đầu tư trực tiếp.
Góp vốn đầu tư thông qua tài khoản vốn đầu tư trực tiếp
Đối với các công ty FDI mới thành lập, các nhà đầu tư phải góp đủ vốn bằng loại tiền tệ đăng ký góp vốn, bằng hình thức chuyển khoản từ tài khoản của nhà đầu tư tới khoản DICA của công ty. Nhà đầu tư cần đảm bảo số tiền góp vốn cuối cùng nhận về tài khoản DICA bằng chính xác số tiền vốn góp ghi nhận trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/Thông báo góp vốn.
Nếu nhà đầu tư góp vốn đầu tư bằng ngoại tệ, giao dịch chuyển khoản trong Việt Nam chỉ có thể được nếu nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân cư trú tại Việt Nam (đã được cấp visa Việt Nam có thời hạn trên 12 tháng). Nếu không, nhà đầu tư cần chuyển khoản bằng ngoại tệ từ tài khoản ngân hàng cá nhân tại nước ngoài vào DICA.
Thời hạn góp vốn trong vòng 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Việc không góp vốn, góp vốn muộn, góp vốn thiếu có thể bị xử phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Chuyển nhượng vốn đầu tư thông qua tài khoản vốn đầu tư trực tiếp
Đối với các giao dịch chuyển nhượng vốn đầu tư: việc thanh toán giá trị chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp tại công ty FDI được thực hiện như sau:
- Giữa các nhà đầu tư là người không cư trú hoặc giữa các nhà đầu tư là người cư trú: không thực hiện thông qua DICA
- Giữa nhà đầu tư là người không cư trú và nhà đầu tư là người cư trú: phải thực hiện thông qua DICA
2. Tài khoản thanh toán VNĐ
Tài khoản thanh toán của công ty là tài khoản do khách hàng là công ty mở tại ngân hàng. Chủ tài khoản thanh toán là công ty mở tài khoản. Người đại diện hợp pháp thay mặt công ty đó thực hiện các giao dịch liên quan đến tài khoản thanh toán trong phạm vi đại diện. Mỗi công ty đều bắt buộc mở ít nhất 1 tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam.
Ngoài ra, công ty được phép mở thêm các tài khoản thanh toán tại các ngân hàng khác nhau để phục vụ cho hoạt động kinh doanh.
Hướng dẫn sử dụng tài khoản thanh toán
Nếu tài khoản DICA chỉ dùng để thực hiện các giao dịch liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, thì tài khoản thanh toán được sử dụng cho việc kinh doanh hàng ngày của công ty, như: nhận tiền thanh toán, thanh toán tiền hợp đồng, tiền lương, tiền điện, nước,… Hầu hết các giao dịch hiện nay có thể thực hiện một cách thuận tiện thông qua hình thức internet banking.
Lưu ý công ty:
- Cần duy trì số dư tối thiểu trên tài khoản thanh toán theo quy định của ngân hàng để tránh bị trừ tiền.
- Cần đăng ký với ngân hàng để kích hoạt dịch vụ nộp thuế điện tử qua tài khoản ngân hàng.
- Các khoản chi từ 20 triệu đồng trở lên phải thực hiện qua tài khoản thanh toán thì mới được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp và khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào.
- Tất cả các giao dịch trong tài khoản thanh toán của công ty đều phải có đầy đủ hồ sơ chứng từ hợp lệ. Không tự ý sử dụng tài khoản công ty cho mục đích khác ngoài mục đích kinh doanh.
- Tiền mặt phải được rút bằng séc.
- Mỗi lệnh chuyển tiền đều phải có chữ ký của người đại diện có thẩm quyền. Ví dụ, lệnh chuyển tiền phải có ít nhất là chữ ký của giám đốc, kế toán trưởng, cá nhân thực hiện nhiệm vụ (nếu có).
Tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ (nếu cần)
Công ty được phép mở thêm tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ để thực hiện các giao dịch bằng ngoại tệ như USD, EURO, AUD, GBP, CHF.
Vì hầu hết các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam bị hạn chế sử dụng ngoại tệ, nên tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ thường được sử dụng trong các giao dịch liên quan đến quốc tế, chẳng hạn như nhận thanh toán hợp đồng, hoặc thanh toán sản phẩm hoặc dịch vụ bằng USD từ các đối tác kinh doanh nước ngoài.
Kết Luận
Trên đây là một số kiến thức cơ bản về cách sử dụng tài khoản ngân hàng của công ty mà Nova Law đã liệt kê trong bài viết. Trên thực tế, tùy vào từng loại giao dịch mà sẽ có những quy định khác có thể được áp dụng. Để biết thêm thông tin, vui lòng tham khảo ý kiến từ nhân viên ngân hàng, kế toán hoặc luật sư của công ty.