Giấy khám sức khỏe là một trong những tài liệu bắt buộc phải chuẩn bị khi người nước ngoài tiến hành xin giấy phép lao động tại Việt Nam. Người nước ngoài có thể khám sức khỏe tại Việt Nam hoặc tại nước ngoài. Dưới đây là hướng dẫn các bước để được cấp giấy khám sức khỏe HỢP LỆ để xin giấy phép lao động.
1. Giấy khám sức khỏe được cấp tại Việt Nam
Giấy khám sức khỏe cấp tại Việt Nam được coi là hợp lệ để người nước ngoài xin giấy phép lao động cần phải thỏa mãn các điều kiện sau đây:
- Giấy khám sức khỏe phải do bệnh viện/phòng khám có thẩm quyền của Việt Nam cấp (tham khảo danh sách bệnh viện và phòng khám ở #3)
- Giấy khám sức khỏe có giá trị trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày ký kết luận sức khỏe đến ngày nộp hồ sơ giấy phép lao động
- Có kết luận của bác sĩ trên giấy khám sức khỏe ghi là “tình trạng sức khỏe phù hợp với yêu cầu công việc”.
2. Lưu ý trước khi khám sức khỏe
- Đặt lịch hẹn khám sức khỏe cho người nước ngoài xin giấy phép lao động tại bệnh viện/phòng khám có thẩm quyền
- Không uống cà phê hoặc đồ uống có cồn và nhịn ăn từ 8 – 10 tiếng trước khi lấy mẫu máu và mẫu nước tiểu xét nghiệm
- Mang 2 ảnh chân dung kích thước 4 x 6, nền trắng và hộ chiếu bản gốc khi đi khám sức khỏe
3. Danh sách cơ sở khám sức khỏe có thẩm quyền cấp giấy khám sức khỏe cho người nước ngoài
Trong rất nhiều cơ sở khám sức khỏe được nhà nước cho phép khám sức khỏe cho người nước ngoài xin giấy phép lao động, Nova Law đã chọn ra một số bệnh viện, phòng khám phổ biến tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh mà khách hàng có thể tham khảo:
4. Giấy khám sức khỏe cấp tại nước ngoài
Trường hợp người lao động nước ngoài không thể khám sức khỏe xin cấp giấy phép lao động tại Việt Nam thì hoàn toàn có thể thực hiện khám sức khỏe tại nước ngoài. Giấy khám sức khỏe được cấp tại nước ngoài được coi là hợp lệ để xin giấy phép lao động tại Việt Nam nếu thỏa mãn các điều kiện sau đây:
- Giấy khám sức khỏe được cấp ở bệnh viện hoặc phòng khám tại nước ngoài và phải bao gồm các nội dung khám sức khỏe được quy định tại Thông tư số 14/2013/TT-BYT của Bộ Y tế về hướng dẫn khám sức khỏe (được liệt kê ở phần sau);
- Giấy khám sức khỏe có giá trị trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày ký kết luận sức khỏe đến ngày nộp hồ sơ
- Có kết luận của bác sĩ trên giấy khám sức khỏe là “tình trạng sức khỏe phù hợp với yêu cầu công việc”.
- Giấy khám sức khỏe cấp tại nước ngoài phải được hợp pháp hóa lãnh sự và dịch công chứng sang tiếng Việt
Những nội dung về sức khỏe cần có trong giấy khám sức khỏe cấp tại nước ngoài theo quy định tại Thông tư 14/2013/TT-BYT:
- Khám thể lực: chiều cao, cân nặng, chỉ số BMI, mạch, huyết áp, phân loại thể lực,…
- Khám lâm sàng:
- Nội khoa: tuần hoàn, hô hấp, tiêu hóa, thận – tiết niệu, cơ – xương – khớp, thần kinh, tâm thần
- Ngoại khoa
- Sản phụ khoa
- Mắt: kết quả khám thị lực (không kính, có kính), các bệnh về mắt
- Tai – Mũi – Họng: kết quả khám thính lực, các bệnh về tai mũi họng
- Răng – Hàm – Mặt: kết quả khám, các bệnh về Răng – Hàm – Mặt
- Da liễu
- Khám cận lâm sàng
- Xét nghiệm máu: Công thức máu (số lượng HC, số lượng Bạch cầu, số lượng Tiểu cầu), sinh hóa máu (đường máu), urê, ASAT (GOT), Creatinin, ALAT (GPT)
- Xét nghiệm nước tiểu: đường, protein
- Chẩn đoán hình ảnh
5. Kết luận
Khám sức khỏe tại Việt Nam để xin giấy phép lao động là phương án tốt nhất. Người nước ngoài sẽ chỉ mất nửa ngày để đi khám, và tất nhiên giấy khám sức khỏe cấp tại Việt Nam sẽ không cần phải hợp pháp hóa lãnh sự và dịch công chứng sang tiếng Việt như giấy khám sức khỏe tại nước ngoài. Cần lưu ý một số sai lầm mà người nước ngoài thường mắc phải khi đi khám sức khỏe như: quên mang hộ chiếu hoặc quên mang ảnh, đi khám sức khỏe tại bệnh viện không có thẩm quyền khám sức khỏe để cấp giấy phép lao động,… Do đó, cần đọc kỹ các hướng dẫn bên trên để được cấp giấy khám sức khỏe hợp lệ trong thời gian nhanh nhất.